Lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký kê khai, thanh toán thuế qua mạng đang có chiều hướng tăng vọt. Theo Tổng cục Thuế, tính đến tháng 7-2012 đã có 130.000 DN thuộc 50 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện kê khai thuế qua mạng, gấp 86,6 lần so với năm 2009. Riêng tại TP.HCM, số DN tham gia là 80.000. Doanh thu như với thuê bao di động Hiện nay có khá nhiều DN đầu tư dịch vụ kê khai thuế qua mạng, gồm các DN được phép cung cấp chữ ký điện tử như Viettel, Bkav, FPT… và một số ngân hàng (NH) như VietinBank, BIDV… giúp DN giải quyết luôn khâu thanh toán cuối cùng, không phải đi chuyển khoản sau khi kê khai xong. Hầu hết các DN đều nhận định đây là lĩnh vực kinh doanh tiềm năng. Cũng giống như thuê bao di động, các DN sẽ sử dụng dịch vụ kê khai và nộp thuế qua mạng lâu dài với phí thuê bao duy trì hằng năm, do đó doanh thu khá ổn định. Hiện nay, mức phí thuê bao kê khai thuế qua mạng dao động 1-5 triệu đồng/năm. “Khoảng 80% khách hàng tìm đến Viettel đăng ký sử dụng chữ ký số để kê khai thuế điện tử. Nhận thấy hướng kinh doanh khả thi, Viettel đã tiến hành các giải pháp nhằm nâng cao năng lực hệ thống, nhất là vấn đề bảo mật và xác thực” - ông Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel, cho biết. Cảnh chen chúc chờ đợi nộp thuế sẽ giảm đáng kể khi lượng doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế qua mạng tăng nhanh. Ảnh: HTD Còn theo ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc dự án chữ ký số BkavCA - Công ty Bkav, lĩnh vực này có lợi cho cả nhà cung cấp dịch vụ lẫn DN kê khai. “Với phí kê khai 1 triệu đồng/năm, chỉ tính ba tháng cho các chi phí in ấn giấy tờ, đi lại, lưu trữ hồ sơ thì DN đã có thể hoàn vốn” - ông phân tích. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện tại DN cung cấp dịch vụ chưa thể nhắm ngay vào lợi nhuận mà phải tính lợi ích lâu dài. Khi dịch vụ này phổ biến rộng rãi hơn, các DN sử dụng quen mới tìm cách gia tăng lợi nhuận. Về phía ngành thuế, ông Dương Thế Quang, Trưởng phòng Xử lý thông tin - Cục Thuế TP.HCM, nhận định việc kê khai thuế qua mạng đang được thực hiện khá tốt, nhất là sự tham gia mới đây của một số NH. Tuy nhiên, để làm được điều này NH phải phối hợp về lâu dài với DN cung cấp chữ ký số và dịch vụ cho đăng ký thuế. Quan trọng là khâu bảo mật, NH phải đạt các tiêu chuẩn bảo mật an toàn cho DN từ kê khai đến sử dụng tài khoản. “Vẫn chưa hài lòng lắm!” Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, chị Dung - kế toán trưởng Công ty Mắt Bão (quận 12) cho biết khá hài lòng khi kê khai thuế qua Internet từ tháng 3-2012. Trước đây, việc này khiến chị mất nhiều thời gian, nhất là khoản xếp hàng chờ đợi, cộng thêm việc đi lại, lưu hồ sơ, in văn bản… cũng tốn rất nhiều chi phí. Theo chị Dung, dù thời gian đầu có lúng túng nhưng sau nhiều lần thực hiện thì thấy thuận lợi, giảm được chi phí và hạn chế đi lại, đặc biệt có thể kê khai thuế ở bất cứ nơi đâu. Sắp tới, Mắt Bão sẽ đăng ký dịch vụ mới của NH để không phải tự đi chuyển khoản nộp thuế như trước. Dẫu vậy, chị Dung vẫn chưa hài lòng lắm. “Trang web của ngành thuế hay gặp trục trặc như treo máy để nâng cấp hệ thống hay nghẽn mạng. Nhiều lúc tôi phải thức đến 4-5 giờ sáng để làm báo cáo, tránh lúc bị nghẽn. Nếu giải quyết tốt vấn đề này, hệ thống kê khai thuế mới sẽ vận hành hiệu quả hơn, hỗ trợ rất nhiều cho DN” - chị nhận xét. Còn anh Hoàng Giang, chủ một DN kinh doanh máy tính bảng ở quận 1, thì đã kê khai thuế qua mạng từ năm trước, ngay khi có thông báo do “đã quá oải chuyện đi lại và xếp hàng”. Theo anh, DN làm dịch vụ khá tốt nhưng khi DN gặp rắc rối lại ít được ngành thuế hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật. Ông Dương Thế Quang cũng thừa nhận do hệ thống kê khai thuế qua mạng còn mới nên thỉnh thoảng xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Nguyên nhân là trang web cần phải nâng cấp xử lý nhiều văn bản cùng lúc. Các sự cố này dần dần sẽ được giải quyết nhằm đảm bảo hoạt động ngày càng trơn tru. Khi các đăng ký đều dồn vào một trang web thì tình trạng nghẽn mạch là rất dễ xảy ra. Một số ý kiến cho rằng nếu để DN dịch vụ cung cấp thêm hạ tầng web cho DN kê khai thuế thì sẽ giải quyết được phần nào gánh nặng của ngành thuế. Có thể hình dung việc sử dụng dịch vụ của ngành thuế giống như nhiều DN cùng lên một chiếc xe buýt. Còn nếu chọn sử dụng trang web của DN dịch vụ (đã được cấp phép) thì giống như lên taxi, mỗi DN một xe nên sẽ dễ dàng hơn. Mặt khác, do còn khá nhiều DN lúng túng, chưa nắm rõ cách sử dụng phần mềm, chữ ký số… trong việc kê khai thuế qua mạng nên các DN cung cấp dịch vụ đã phối hợp với cơ quan thuế tổ chức các buổi tập huấn hoặc cử chuyên gia đến tận nơi tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN có nhu cầu.
NHƯ VŨ |
0 Nhận xét