Từ ngày 1-9, những doanh nghiệp mới thành lập trong năm nay và có tài sản dưới 1 tỉ đồng sẽ vẫn được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Quy định mới này được đưa ra trong thông tư 119/2014/TT-BCT ngày 25-8 về sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 thông tư để cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính về thuế, trong đó có Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Đây có thể xem là quyết định giúp “cởi trói” cho doanh nghiệp nhỏ.
Trước đó, “ngưỡng 1 tỉ đồng” trong Thông tư 219 được xem là rào cản, thậm chí là quy định khai tử các doanh nghiệp nhỏ được thành lập mới trong năm 2014.
Bởi lẽ, theo Thông tư 219, nếu không đạt yêu cầu có tài sản, máy móc, thiết bị đầu tư, mua sắm có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên, doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT và phải kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp.
Theo đó, doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, mà hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nên làm tăng giá thành hàng hoá. Không những thế, doanh nghiệp này cũng phải nộp thuế GTGT tính trên doanh thu khi bán hàng hoá, dịch vụ.
Một bất lợi lớn khác nữa là doanh nghiệp này phải sử dụng hóa đơn bán hàng, không được sử dụng hóa đơn GTGT. Theo đó, những doanh nghiệp khác khi mua hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp này cũng không được khấu trừ thuế GTGT.
Sau khi Thông tư 219 được áp dụng từ ngày 1-1-2014 với mục đích hạn chế doanh nghiệp thành lập mới để mua bán hoá đơn, không ít bạn đọc đã gửi ý kiến đến TBKTSG Online cho biết quy định “ngưỡng 1 tỉ đồng” đã giết chết ý định kinh doanh của họ.
Có một bạn đọc gửi ý kiến: “Tôi và người bạn chuẩn bị lập công ty về dịch vụ in ấn, vốn đã gặp rất nhiều khó khăn rồi, lại thêm cái thông tư này nên đã quyết định dừng lại”. Một bạn đọc khác cũng nói: “Tôi đang chuẩn bị thành lập công ty thương mại nhưng khi gặp văn phòng luật để được tư vấn, tôi rụng rời. Không xuất được hóa đơn VAT cho khách hàng, chẳng lẽ đi mua lại hóa đơn của công ty khác? Loanh quanh mãi rồi cuối cùng cũng lại là mua hóa đơn”.
Ngoài ra, có một số công ty rơi vào tình trạng mất khách hàng vì không xuất được hoá đơn GTGT cho hàng hoá, dịch vụ mình bán ra. “Tôi mới thành lập công ty hồi cuối tháng 4-2014 để cung cấp dịch vụ cho một đối tác rất lớn, nhưng không may vì quy định của Thông tư 219 mà đối tác đã từ chối dịch vụ của chúng tôi, bởi họ muốn thống nhất một loại hóa đơn GTGT mà thôi. Vậy là coi như chết ngay tại chỗ! Chúng tôi tốn kém chi phí ban đầu không hề nhỏ cho một công ty mới. Giờ chả lẽ giải thể doanh nghiệp ngay? Thật vô cùng bức xúc”, một bạn đọc khác cho biết.
Việc bỏ quy định "ngưỡng 1 tỉ đồng" là một trong những sửa đổi được Bộ Tài chính đưa ra nhằm thực hiện Nghị quyết 19 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 3-2014 nhằm cắt giảm thủ tục hành chính cũng như giảm thời gian kê khai và đóng thuế, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp từ mức 872 giờ/năm (như trong báo cáo của Ngân hàng thế giới) xuống còn 171 giờ/năm vào 2015 - mức bình quân hiện nay của ASEAN 6.
Thông tư 119 có hiệu lực từ ngày 1-9-2014 dự kiến giúp doanh nghiệp giảm được 201,5 giờ tính thuế, khai thuế. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, hiện doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra 537 giờ/năm cho việc chuẩn bị kê khai, thực hiện kê khai và nộp thuế. Trong đó, thời gian cho việc tuân thủ thuế GTGT là 320 giờ/năm và cho thuế thu nhập doanh nghiệp là 217 giờ/năm.
Theo TBKTSG online
0 Nhận xét