PAPI 2019: Không có BHXH - nhân tố dẫn tới sự gia tăng quan ngại về đói nghèo

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2019 vừa được công bố đã chỉ ra rằng, việc không có BHXH là một nhân tố dẫn tới sự gia tăng quan ngại về đói nghèo. 

Chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là nỗ lực hợp tác hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009. Chỉ số PAPI là thước đo định lượng thường niên về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương. Trong 10 năm qua, PAPI cung cấp dữ liệu và dẫn chứng phản ảnh hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong 6 lĩnh vực nội dung chính: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai, minh bạch trong việc ra quyết định, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, và cung ứng dịch vụ công. Từ năm 2018, Chỉ số PAPI đo lường thêm 2 chỉ số nội dung mới: quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Khong co BHXH dan toi su gia tang doi ngheo
Kết quả chỉ số PAPI năm 2019 có được dựa trên khảo sát 14.138 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh thành, cho thấy những cải thiện đáng kể mà nhiệm kỳ chính quyền các cấp hiện nay (2016-2021) đã và đang làm được. Có 5/6 chỉ số lĩnh vực nội dung gốc của chỉ số PAPI có xu thế biến đổi theo hướng tích cực trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, một trong các phát hiện chính của khảo sát PAPI 2019 là kết quả đo lường đánh giá của người dân về những vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm vẫn ghi nhận vị trí đầu tiên cho nguy cơ đói nghèo. Có tới gần 25% người dân trả lời khảo sát PAPI tiếp tục cho rằng đói nghèo là mối quan ngại lớn nhất trong năm 2019, tỉ lệ này đã duy trì suốt từ năm 2016 đến nay. Điều này có là nghịch lý khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019 đạt mức 7%, mức cao nhất liên tục trong thập niên qua.

Theo TS.Paul Schuler- thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích có sức thuyết phục nhất trong khảo sát năm 2019 là khi so sánh giữa nhóm người có BHXH và không có BHXH. “Phân tích nhân tố tác động cho thấy sự tương quan giữa mối quan ngại về đói nghèo và điều kiện tiếp cận BHXH của người trả lời”, TS.Paul Schuler cho biết. Đây cũng là tiêu chí quan trọng khi đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong tình hình đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế tất cả các quốc gia. Các kết quả khảo sát của PAPI trước đó đều đã chỉ ra rằng, lý do nhiều người vẫn quan ngại về đói nghèo bởi họ lo bản thân hoặc gia đình trở lại đói nghèo. Hiện, mối quan ngại này có thể giải thích được trong bối cảnh nhiều người (đặc biệt là phụ nữ) đang làm việc trong các ngành nghề “dễ bị tổn thương”, việc làm không chính thức. Những người có công việc bấp bênh trong khu vực phi chính thức có xu hướng quan ngại về nghèo đói hơn do họ ít được hưởng các phúc lợi khác ngoài tiền công lao động. “Rất có thể những người không có lương hưu từ BHXH quan ngại hơn về mức thu nhập và tính ổn định của thu nhập hiện có”, TS. Paul Schuler cho biết. 

Nhận định này có thể xem xét trên mối tương quan với những đánh giá của người dân về điều kiện kinh tế của chính gia đình mình. Theo kết quả khảo sát, nếu như những năm trước, mức độ hài lòng về điều kiện kinh tế hộ gia đình của nhóm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn gia tăng tương tự với nhóm trong các lĩnh vực phi nông nghiệp. Song đến năm 2019, mức độ hài lòng của nhóm làm việc trong các lĩnh vực phi nông nghiệp tiếp tục được cải thiện, nhưng những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp lại bi quan hơn. Tỷ lệ người làm nông nghiệp cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình ở mức “kém”, “rất kém” tăng hơn so với năm 2018. Trong khi đó, kết quả khảo sát PAPI 2019 cũng cho thấy, đa số những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp không tham gia BHXH, và có rất ít điều kiện tham gia vào bất kỳ loại BHXH nào. Hầu hết những người không tham gia các tổ chức đoàn thể đều không có BHXH. Cụ thể, trong số những lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp tham gia khảo sát, có khoảng 32% người là thành viên tổ chức đoàn thể và gần 18% người không thuộc tổ chức đoàn thể cho biết có tham gia BHXH. Tỷ lệ tương ứng này càng thấp hơn với số lao động làm việc lĩnh vực nông nghiệp, khi số người tham gia BHXH chỉ chiếm 15% trong số người tham gia khảo sát là thành viên tổ chức đoàn thể và chưa đến 12% ở nhóm còn lại... Đây cũng là lý do quan trọng khiến những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp lo ngại họ bị rơi vào nghèo đói trong tương lai. Những “biến số” của nền kinh tế do tác động của dịch bệnh, thiên tai tác động trực tiếp đến đời sống đã khiến nhiều người phải nhìn nhận lại các nguy cơ đe dọa kinh tế gia đình.

"BHXH có vai trò bảo vệ cho người lao động khi họ bị mất việc làm. Trong khi đó, diễn tiến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến tỷ lệ người mất việc làm, sụt giảm thu nhập nhiều hơn. Đó là lý do có tới 27% người không có BHXH tham gia khảo sát cho rằng đói nghèo là quan ngại hàng đầu, trong khi chỉ có 18% người thuộc nhóm người có BHXH có chung nhận định này”, TS. Paul Schuler phân tích. Theo chuyên gia này, việc không có BHXH, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam xảy ra thiên tai, hoặc đại dịch nào đó, những quan ngại tương lai mình sẽ ra sao khi mất việc làm đã khiến người dân càng lo ngại về đói nghèo và hy vọng Nhà nước giải quyết vấn đề này nhất.

“Phát hiện này cho thấy mối quan ngại về đói nghèo không chỉ bị tác động bởi mức thu nhập mà còn bởi cảm giác an tâm khi có BHXH cho mai này”, nhóm nghiên cứu kết luận. Nhận định này sẽ tiếp tục được làm rõ hơn trong khảo sát PAPI 2020 sẽ được công bố trong năm 2021, đặc biệt là khi "Lao động và việc làm" tiếp tục nằm trong nhóm các vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới. Những quan ngại này có khả năng gia tăng trong những tháng tới khi có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...

Tin tức

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

x

ĐĂNG KÝ DỊCH VỤ

ảnh viền

DMCA.com Protection Status